Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Em Ơi ! Hà Nội - Phố !

(Phan Vũ 1926 - năm 84 tuổi / 2010)


Em ơi! Hà nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em mùi hoa sữa
Tiếng giầy gọi đường khuya
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác
Thời gian
Mòn thân gỗ…
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xếp nhỏ
Lá thư quên địa chỉ
Quay về

Ta còn em một gốc cây
Một cột đèn
Ai đó chờ ai
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai
Ta còn em, một ngã ba vội vã
Chiếc khăn quàng tím đỏ thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ

Gốc phố ấy

Mở đầu trang tình sử

Ta còn em
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Trên vòm cao
Đổ xuống chuông hồi
Nhà thờ Cửa Bắc
Chiều tan lễ
Chuông nguyện còn mãi ngân nga

Ta còn em đôi mắt buồn
Đôi cánh chim xa
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà
Gã Trương Chi ôm ghita
Từng đêm
Hóa đá

Ta còn em chuyến tàu đêm
Về muộn
Qua cầu
Một người nào lạc giữa sân ga

Em ơi! Hà nội-phố
Ta còn em những hố sâu
Trước cửa cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đổ
Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ
Thằng bé thẩn thờ
Tuổi thơ qua cuộc chơi
Vội vã…
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở
Nhà ai qua đó bâng khuâng
Nhớ tuổi học trò

Ta còn em giàn thiên lý
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành
Ta còn em chuổi cười vừa dứt
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ
Ta còn em tiếng ghita
Bập bùng
Tự sự
Châm lửa điếu thuốc cuối cùng
Xập xòe
Kỷ niệm
Đêm kinh kỳ thuở ấy
Xanh lơ

Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
Già nua
Đếm thời gian
Theo nhịp đong đưa
Trước ngỏ phố
Sót cây hoa gạo
Buổi chơ chiều họp giữa kinh đô

Ta còn em những ngọn đèn mờ
Trên nóc phố
Mùa trăng không tỏ
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ

Ta còn em bảy nốt cù cưa
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ
Cô gái áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate Ánh Trăng
Nốt nhạc thiên tài bay lã tả
Một kiếp người
Một phiếm đàn long

Ta còn em ngọn đèn khuya
Vùng sáng nhỏ
Bà quán mãi mê câu chuyện nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng
Đong đưa
Những chàng trai say suốt bốn mùa

Ta còn em tiếng hàng ngày
Vang âm đường phố
Tia hồ quang chớp xanh
Toa xe điện cuối ngày
Người soát vé
Áo bành tô cũ nát
Lanh canh! Lanh Canh!
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ
Bó gạo mớ rau
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh! Lanh canh!
Lá bánh củ khoai
Đàn con trên bến đợi
Cuối ngày

Em ơi! Hà Nội-phố
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang theo hình phố
Cô gái dựa lưng vào gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…
Ta còn em một con tàu
Giả biệt bến sông
Mảnh trăng vỡ
Tiển người bỏ xứ
Dãy phố buồn nghìn năm mắt nhớ

Ta còn em ráng đỏ chiều hôm
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần đi dưới trời mưa
Ta còn em con đường tên cũ
Cổ Ngư
Cành phượng vĩ là đà
Chiều phai nắng
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa
Ta còn em, chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió
Lao xao cơn sóng biếc
Gió Tây hồ
Hoàng hôn xa đến tư bao giờ
Nhưng bước chân tìm nhau vội..vội…
Cuộc tình hờ bổng chồc nghiêm trang

Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thóang mùi sen nở muộn
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai

Ta còn em cơn mưa rào
Đi nhanh qua phố
Chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ
Cô gái gặp nắng hanh
Chợt hồng đôi má
Một chút xanh hơn
Trời Hà nội hôm qua

Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa Thu
Qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát mùa Thu.

Em ơi! Hà nội-phố
Ta còn em một Hàng Đào
Không bán đào
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc
Đường Trường Thi
Không chổng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy
Ta còn em tiếng gọi trong đêm
Người đi xa trở về
Căn nhà không biển số
Ngày đi mõi mòn nỗi nhớ
Ngày về phố cũ quên tên

Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rũ
Điệp vàng rực rở
Cánh tay trần trên gát cao khép cửa
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào…
Ta còn em tà áo nhung huyết dụ
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa
Ngõ phố nào in dấu hài hoa

Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cỗ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại
Chợt quên ai kia dưới đường đứng đợi
Cuộc đời có lẽ nào
Là một thoáng
Bâng quơ
Ta còn em
Những cuộc tình
Như một bài thơ
Những nỗi đau gậm mòn số phận
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ

Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy Hàng Mã
Ngưa, xe,võng, lọng
Những hình nhân nuối tiếc vàng son
Khi phố phường là miền loạn gió
Làm sao tìm được mớ tro than

Ta còn em, nóc phố lô xô
Màu ngói cũ
Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa…
Con đường đá lát bao nhiêu niên kỷ
Qua song nhớ mẹ tuổi già

Em ơi! Hà nội-phố
Ta còn em mảnh đại bác
Ghi trên thành cũ
Một thời thịnh
Môt thời suy
Hưng vong là thường
Người qua đó
Hững hờ bài học sử
Ta còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa
Ly rượu đầy xin rót cúng cha
Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ
Bến nước nào đã neo thuyền ngự
Đám mây nào in bóng rồng bay

Ta còn em tháng chạp
Những hàng cây óng ả sợi hồng
Tháng chạp
Trên giường trải chiếu hoa
Tháng chạp
Mùi hương dài theo phố
Một tháng chạp
Mẹ
Nửa đêm thức
Hóa vàng

Em ơi, Hà nội-phố
Ta còn em, năm cửa ô
Năm cửa gió
Cơn bão thường niên qua đò
Ba mươi sáu phố
Bao nhiêu mảnh vỡ
Ta còn một màu xanh thời gian
Một màu xanh hư vô
Chợt nhòe
Chợt hiên
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh một dáng
Một mình
Nhợt nhạt vàng son
Đậm đầy cay đắng

Ta còn em,những ngõ cụt bất ngờ
Ô cửa ngẩn ngơ
Ngôi nhà không người ở
Khung trời nỗi buồn
Vô cớ
Người nghệ sĩ lang thang
Hoài
Trên phố
Bổng thấy mình không nhớ nỗi con đường
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha

Ta còn em những giọt sương
Nhòe nhòe bóng điện
Mặt  Hồ Gươm
Một đêm trở lạnh
Tháp Rùa ngả bóng lung linh
Cánh nhạn chao nghiêng chiều cuối
Người ra đi mang theo buốt giá
Áo chòang không ấm thân gầy
Cầm bằng như cánh chim bay

Em ơi Hà nội-phố
Ta còn em cây bàng
Mồ côi mùa Đông
Ta còn em nóc phố
Mồ côi mùa Đông
Ta còn em mảnh trăng
Mồ côi mùa đông. 

( PHAN VŨ - 12/1972 )

Thời Hoa Đỏ

Dưới mùa hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên.

Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi...
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót

Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim

Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em.

Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa.


(Thanh Tùng)

Viết Trong Mùa Hoa Phượng


Cây phượng cũ không còn
Nơi trường xưa ta học
Hàng phượng non mới mọc
Đã ra hoa mùa đầu

Bạn cũ giờ nơi đâu
Có biết tôi đang nhớ
Đứng dưới cảnh phượng nở
Thầm nhắc tên mỗi người

Ôi cái hè lớp mười
Xa lâu càng nhớ rõ
Soi trong màu phượng đỏ
Kỷ niệm còn tươi nguyên

Chúng mình đã lớn lên
Qua nhiều miền đất nước
Mà mùa hoa năm trước
Vẫn theo từng bước đi

Chẳng dễ có phân ly
Trong tình yêu bè bạn
Xa nhau bao năm tháng
Nỗi nhớ còn trẻ trung

Bạn ơi chưa về cùng
Chuyện dưới cành phượng đỏ
Cho tôi được gọi nhỏ
Trong màu hoa từng người.


(Xuân Hoài)

Tiếng Trống Trường


Có cả cuộc đời rồi vẫn nhớ
Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi.
Bàn chân nhỏ băng qua đồng qua ruộng,
Tiếng trống trường giục giã những mùa thi

Vừa mới đây đã bao năm cách biệt
Bạn bè ơi giờ ở những nơi đâu.
Nghe tiếng trống sao chẳng về tụ lại,
Dưới sân trường ríu rít nắm tay nhau

Sao chẳng thể một lần như thế nữa?
Ngồi chung bàn chung ghế như xưa.
Lại hồi hộp ngó bảng đen phấn trắng,
Cho mắt nhìn thắm lại chút ngây thơ

Sao chưa đến tìm nhau bè bạn
Bao năm ròng trọ học thổi cơm chung.
Hãy ngồi lại thêm một lần so đũa,
Nghe tiếng cười trai gái rộn quanh mâm.

Sao không thể về thăm thầy giáo cũ
Ơi cái trống da trâu thay bọc lại bao lần.
Giờ mới biết từng hồi trống ấy,
Làm tóc thầy từng sợi bạc thêm nhanh...

Có cả cuộc đời rồi sẽ nhớ
Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi.
Và cho đến bao giờ không biết nữa,
Tiếng trống trường vẫn giục giã mùa thi


(Chử Văn Long)

Có Khi Nào

Có những lúc trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu


Rồi họ chia tay kiêu hãnh thẩn thờ
Bóng dáng yêu chỉ về trong mộng
Rồi họ chết
Dưới suối vàng lạnh cóng
Họ gặp nhau nào có nhận ra nhau


Chia tay đâu phải không gặp nữa
Mà khói hòang hôn cay mắt nhau
Mà chiều như rụng theo chân bước
Và nắng đường xa bỗng bạc màu


Gió về đêm hoang dại
Biết tin người trở lại
Ngày em đi lấy chồng
Mây buông giải tầng sâu
Mây buồn giải tầng thẳm
Tiễn một đời con gái…


( Bùi Minh Quốc )

Nhớ Lại, Đừng Quên

Bổng nhớ lại con đường ta đã dạo
Cây co ro treo lá rét mùa đông
Tay em ấm cớ chi tôi dại dột
Lỡ buông ra sơ ý lá rơi thầm.

 
Bỗng nhớ lại những ngày xuân em ốm
Mới quen nhau tôi chẳng dám thăm nhà
Cứ quanh quẩn ven đường như mất trộm
Trái tim mình ai lấy kiếm chưa ra.

 
Bỗng nhớ lại cơn mưa chiều tháng bảy
Ta chia tay không rõ lý do gì
Chưa thấm thía những dòng mưa lúc ấy
Là những dòng mùa hạ sắp chia ly.

 
Bỗng nhớ lại... Mọi điều sao giản dị
Tôi như em - vụng dại đến đau lòng
Chỉ cần một trong hai người biết nghĩ
Lúc bấy giờ ta dễ mất nhau không?

( Đoàn Vị Thượng )

Ngày Xưa Có Mẹ



Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người thức hát ru con

Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc
Mẹ đã thành hiển nhiên như Trời – Đất
Như cuộc đời không thể thiếu trong con

Nếu có đi vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên

Mẹ là người đã cho con cái tên riêng
Trước cả khi con bật nên tiếng ” Mẹ “

Mẹ !
Cái tiếng gọi mà từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành
Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu
 Mẹ !
Có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống , tình yêu , hạnh phúc

Mẹ !
Có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát
Chỉ có một lần mẹ không ngăn con khóc
Là khi mẹ không thể nào lau nước mắt cho con
Là khi mẹ không còn
Hoa hồng đỏ từ đây hóa trắng …
Rồi những đứa bé lại chào đời và lớn lên theo năm tháng
Biết bao người được làm mẹ trong ngày
Tiếng trẻ con gọi mẹ ngân nga trên trái đất này
Thành âm thanh không bao giờ vắng lặng

Mẹ !
Có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Cái đóm lửa thiêng liêng
Cháy trong bão bùng , cháy trong đêm tối

Mẹ !
Có nghĩa là mãi mãi
Là cho – đi – không – đòi – lại – bao – giờ

Cổ tích của ai bắt đầu từ : ” Ngày xưa có một công chúa … ” hay ” Ngày xưa có một ông vua … ”
Cổ tích của con bắt đầu từ : ” Ngày xưa có mẹ …. ”


(Thanh Nguyên – 1981)

Mưa Năm Cũ

Chiều bổng buồn như chiều năm cũ
Vàng hoa mái phố mưa lưng trời
Tóc dài ai giống người năm cũ
Áo mõng che đầu mưa nhạt môi.

Chiều bổng chùng như chiều ngày xưa
Có hai người đứng mãi trong mưa
Lòng ta chưa kịp thành câu nói
Em đã tan vào cổ tích xưa.

Em đã hóa thành trang sách ố
Mờ phai mực tím bướm khô gầy
Ta níu áo người không kịp nữa
Ngoảnh lại mười năm mây trắng bay.

Mây bay khắp nẽo chân trời vắng
Hoa phượng còn nguyên em biết không
Mưa nào chẳng giống mưa năm cũ
Người có quên về mưa vẫn thăm.

Mây Mùa Thu

Một hôm áo trắng về lại phố
Trời vẫn trong veo, má vẫn hồng
Có nàng cắn tóc bâng khuâng hỏi
Có gặp người quen năm ngoái không ?

Một hôm áo trắng về lại phố
Tháng chín mây mùa thu ghé thăm
Có chàng chùi kiếng bâng khuâng hỏi
Có gặp cô nàng năm ngoái không ?

Một hôm áo trắng như mây trắng
Giống hệt mây hôm ấy ngày xưa
Có chàng hai lần hai mươi tuổi
Chép miệng nao nao nhớ gió mùa .


( Đỗ Trung Quân )

Mưa Học Trò

Tuổi học trò , nhớ lắm những mùa mưa  
Đường về học mình che chung mảnh áo  
Anh khen em : Cô bé sao chu đáo 

Em thẹn thùng chân bấm bước thêm nhanh
 
Mưa học trò , nhớ quá , phải  không  anh  
Vết chân trâu đã bao lần mình vấp  
Cây cầu trôi lênh đênh con nước ngập
Bè chuối thay xuồng ta chống qua sông 


Mưa học trò . . . dẫu ướt áo vẫn mong
Cây mau lớn che mát đường đi học
Lúa mau vàng anh nhìn em gánh thóc
Qua mùa mưa , ta bỗng lớn lên nhiều 
 

Mưa học trò , thương biết bao nhiêu
Mùa hạ ấy em trở thành cô giáo !
Trang giáo án ngỡ bao lần hư ảo
Mưa  cuộc đời đầy kỷ niệm vời xa . . .
 


Mưa hôm nay , giữa phố đông người qua
Có cô bé che áo mưa cùng bạn
Nghe bàng hoàng cung đàn mưa dĩ vãng
Mưa học trò không mất . . . tại mình quên !
 

( Nguyễn Thị Đan Thanh )

Chiếc Lá Đầu Tiên

Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rũ
Sân trường đêm- Rụng xuống trái bàng đêm

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi

“- Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi, Với lại bảy
chú lùn rất quấy”
“- Mười đấy chứ! Nhìn xem trong lớp ấy”
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)

Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm

Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt, trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi

Em đã yêu anh, anh đã xa vời
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường- chiếc lá buổi đầu tiên.

( Hoàng Nhuận Cầm )

Tiếng Guốc Cuối Hiên Trường

Chiều bỗng vang trong lòng ta tiếng guốc
Những âm thanh lóc cóc cuối hiên trường
Nơi một thuở ta vòng tay trước ngực
Trầm ngâm theo một tiếng guốc ai khua

Mười sáu tuổi, ai còn vô tư quá
Ai vô tư đến độ hoá ... vô tình
Giờ ra chơi, ai ham chơi kỳ lạ
Bỏ ta một mình đứng ngóng ... một thanh âm

Ơi tiếng guốc trong muôn ngàn tiếng guốc
Ta nhận ra nhờ nhịp bước ai giòn
Thềm sân rộn tiếng ai cười nhún nhẩy
Tóc đuôi gà run rẩy dáng trăng non

Ta đã đợi buổi ai còn mời sáu
Đến hôm nay ai mười tám rồi mà !
Sao tiếng guốc vẫn hồn nhiên huyên náo
Cuối hiên trường, khi sắp hết cấp ba ?

Ai huyên náo, còn ta thầm kín vậy
Chút riêng tư không dễ nói thành lời
Ta còn giữ, nghĩa là còn đọng mãi
Một ngày nào tiếng guốc khẽ khàng rơi ...
( Nguyễn Thái Dương )

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Chị ngồi chảy tóc cho em

Chị ngồi chải tóc cho em 
Chiều buông mây, nắng buông rèm sau vai
Ồn ào phố xá ngược xuôi   
Không ai để ý, không ai ngắm nhìn.

Chị ngồi chải tóc cho em
Xiết bao đằm thắm nhớ quên tháng ngày 
Quên đi những đắng cùng cay
Chỉ còn gió thổi vào cây êm đềm…

Chị ngồi chải tóc cho em
Mà nghe suối tóc chảy êm vai mình

Chử Văn Long

Miền quê yêu dấu

Ngày còn nhỏ, phần thưởng lớn nhất với tôi là được về quê ngoại. Đến bây giờ, những kỉ niệm về miền quê yêu thương ấy vẫn sống trong tôi da diết, ngọt ngào.



Nhà tôi ở phố bên này sông. Cách ba cây số bên kia sông nước là quê ngoại tôi. Mùa hè, con sông nước lớn đỏ sậm phù sa cuồn cuồn chảy. Tôi chen lên phía mũi con đò gỗ, ngồi bệt xuống tấm gỗ kê trước mặt người lái đò. Tôi thích ngồi đó để còn nhìn chăm chắm vào các xoáy nước mỗi khi mái chèo nhấc lên. Có những chỗ, mặt nước phẳng như cái chiếu trải rộng mà ngay cạnh đó lại là xoáy nước. Cứ cuộn lại xoáy tròn rồi tụt xuống sâu thẳm. người lớn ngồi cạnh nhắc tôi đừng nhìn vào đó dễ bị chóng mặt nhưng tôi chỉ vâng dạ mà mắt vẫn không rời ra được. Sau này, tôi thường liên hệ vòng xoáy của sông với những vòng xoáy cuộc đời. Sóng đẩy con đò trôi xiên mãi, có người sợ, miệng niệm Phật liên tục, còn tôi, tôi hoàn toàn tin tuởng ở tài nghệ người lái. Trẻ con có khi lại can đảm hơn cả nguời lớn ấy chứ. Mùa đông nước lặng, những bước chân nhỏ bé của tôi dập dình trên chiếc cầu phao bắc qua sông.
 
Bảy, tám tuổi tôi đã tự về quê. Sang sông trèo qua dốc đê tắt xuống con đường nhỏ men theo bờ mương là đến đường cái. Đến cây số 3 là rẽ vào làng. Có hôm chờ đò, qua đuợc sông thì chiều đã muộn, tôi cố sải bước cho kịp mấy bà đi chợ về. Trong buổi chiều vàng heo hút, hình ảnh những người đàn bà đầu đội thúng, vai đeo bị, hai tay vung vẩy nhịp nhàng đã ghi vào trong tôi những dấu ấn không mờ. Tôi chưa bao giờ bắt chuyện với họ, tôi biết họ cũng là người làng tôi cả vì bao giờ gần đến ngõ nhà ông bà tôi họ cũng gọi to:
 
-Bà ơi! Ra mà đón cháu ngoại này.
 
Thì ra, họ còn biết cả gia cảnh hiếm hoi của ông bà tôi. Chẳng biết nói lời cảm ơn với những người đàn bà quê mùa mộc mạc ấy ra sao, tôi chạy ngay vào con ngõ nhỏ. Chiếc cổng gỗ lợp rạ cũ kỹ lạch cạch mở ra, bà tôi vòng tay ôm cháu:
 
-Sao về tối thế, mẹ mày là chúa liều đò giang nước lớn mà cứ để con bé đi một mình.
 Tôi nắm chặt tay bà bước vào vùng tối của bóng mấy cây nhãn. Nếu không có bà ra đón hẳn tôi đã ù té chạy vào sân. Trong nhà, ông tôi đã khêu đĩa đèn dầu lạc cho sáng lên. Ông ngồi trên chiếc chõng tre, phía trước để cái tráp nhỏ, trên đó thế nào cũng có vài quyển sách chữ nho đang mở. Ông ngoại tôi là một ông đồ. Ngày trước ông dạy Hán văn ở trường Thành Chung. Những ngày ở quê, tôi thường được nghe ông ngâm thơ, đọc sách rồi giảng giải. Có những lúc tôi còn được ông sai mài mực Tàu, son đỏ để ông viết. Cái đĩa mài mực phải thật sạch và nước để mài bao giờ cũng là nước mưa tinh khiết. Ông tôi ngồi khoanh chân trên chõng, lấy bút lông chấm vào đĩa mực rồi nắn nót viết những dòng chữ Nho vào quyển giấy bản. Ông viết theo từng cột, từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Rồi ông ngâm nga những đoạn vừa viết, tôi hiểu những lúc ấy lòng ông thư thái lắm. Ông dạy tôi học thuộc những bài thơ của người xưa rồi tập viết những chữ Nho đơn giản. Tôi cứ nhớ mãi cách hắng giọng mỗi khi ông sắp ngâm một bài thơ nào đó, nghe nó trang trọng như khi ta sắp làm một việc hệ trọng lắm.
Sát hiên nhà là cây hoa ngọc lan ông tôi trồng. Buổi tối mùa thu trải chiếu ngồi chơi trên hè, mùi hoa lan cứ thơm ngào ngạt. Trăng thu vằng vặc, bầu trời cao rộng, tôi nằm trên chiếu, đầu gối lên đùi bà, mắt dõi theo những vì sao. Bà tôi dạy cách nhìn sao để nhận ra ông Thần Nông. Tôi cố căng măt, chỉ thấy những sao là sao, vô vàn các vì sao đang nhấp nháy. Có những dải sao mờ trắng xóa, chi chít như dải lụa, bà tôi bảo đó là dòng ngân hà, rồi bà kể chuyện Ngưu lang chức nữ. Tôi nghe, lòng thơ trẻ thấy cảm động thương xót vô cùng. Mãi rồi tôi cũng nhìn ra ông Thần Nông, mùa cấy, lưng ông cũng cúi xuống như khi bà tôi còng lưng cắm cây mạ xuống ruộng. Những năm tháng sau này, mỗi khi đi công tác ở vùng quê nào, đêm trăng, tôi cũng nhìn lên trời sao xem ông Thần Nông và nhớ tới bà ngoại và vùng quê yêu dấu của tôi.

Ảnh minh họa: tamtay.vn
 
Tôi thích những buổi sáng được theo bà đi cất vó tép ngoài bờ ngòi. Rất nhẹ nhàng, bà tôi dùng cây gậy tre đặt từng cái  vó xuống nước. Tôi theo sau lấy một dúm cám rang gói trong cái lá khoai nước vứt theo đúng giữa cái vó vừa đặt xuống. Mùi thơm của cám sẽ dụ những con tôm, con tép tới. Những hôm giở giời thì rất lắm tôm. Mỗi khi cái vó nhấc khỏi mặt nước, nhìn những con tép gạo trong suốt nhảy lao xao trong vó rất thích. Đi cất vó còn có cái thích nữa là được ngồi ở bến nước để ngó nhìn trời đất. Những phiến đá to nhẵn như cái mặt bàn được kê làm bậc lên xuống, tôi cứ hỏi bà không biết người ta lấy chúng ở đâu về mà sao họ xếp khéo thế, chẳng có phiến nào gập ghềnh cả. Trên bến là cây gạo to lừng lững, trẻ con chúng tôi ba đứa nắm tay ôm không trọn gốc. Tháng ba, hoa gạo nở đỏ trời, những cành gạo dài khẳng khiu vươn xa như những cánh tay cầm những ngọn nến đang cháy đỏ rực. Thỉnh thoảng có những bông gạo chín quá rụng xuống nước xoay tròn rồi trôi theo dòng, đàn cá mương xúm lại đuổi theo và rỉa.
 
Lúc bến nước lác đác có người rửa rau, rửa khoai thì bà cháu tôi thu vó về. Bữa trưa hôm  ấy trên mâm có thêm đĩa tép rang cho lá chanh thơm lựng.
 
Quê ngoại tôi ngày ấy chưa biết làm kinh tế như bây giờ. Vườn nhà nào cũng rộng nhưng chỉ trồng toàn những cây lưu niên như nhãn, ổi, thị, bưởi, mít. Mỗi thứ vài ba cây, đến mùa nào thì ăn quả đó. Trái cây nhỏ nhưng rất ngọt và thơm. Dưới bóng những cây to, nhà nào cũng trồng dong giềng lấy củ nấu cho lợn. Tôi rất thích lựa những củ già để luộc. Tối, tối hai bà cháu lụi hụi gẩy rơm, luộc nồi dong rồi vùi cho chín nục. Củ dong già gọt vỏ cắt ra, tinh bột chín nổi dính vào lưỡi dao, mùi thơm đậm ăn bùi và ngọt như cho đường. Hương vị món quà quê ấy theo tôi mãi những tháng năm đi sơ tán. Tôi hay nhớ về những đêm đông giá lạnh,  mỗi lần về quê, tôi lại được cuộn tròn trong cái ổ rơm rúc đầu vào nách bà hít hà mùi quyết trầu thơm thơm quyện mùi rơm mới. Ôi cái mùi thơm đến lạ, nó làm tôi lâng lâng một cảm giác say say êm ái. Mảnh chăn gai mỏng với vòng tay ấm của bà đưa tôi vào giấc ngủ ngon lành.
 
Khi xa ông bà về phố, trong cái túi nhỏ tôi đeo thể nào cũng có chút quà quê. Khi thì là những củ dong giềng luộc chín, khi thì là những quả ổi, quả thị chín vàng, thơm lựng. Lên tới đường cái, lần nào tôi cũng ngoảnh lại nhìn về cái xóm nhỏ những hàng cau thẳng đứng với những tàu lá to xanh mướt và thấp hơn là những bụi tre già đang ngả nghiêng theo gió. Trên cao, cao nữa, lẩn trong mây là những cánh diều. Tiếng sáo vi vút thoảng vào không trung những âm thanh réo rắt bổng trầm. Lòng tôi bâng khuâng nhung nhớ. Nuốt vội niềm cảm xúc trào dâng, tôi quay đầu bước như chạy, bên tai vẫn văng vẳng tiếng sáo diều da diết.
 
Ôi quê ngoại thân thương!
 

V.Q

Mùa ổi

Nhớ cánh đồng mênh mông tuổi thơ, lũ cu đất gù vang trong những rặng trâm bầu, nhớ bờ kinh gió chướng về trắng hàng so đũa, con bìm bịp núp trong đám dừa nước gọi nước lớn tràn bờ, đám "ôn dịch" chúng tôi đến trường áo quần ướt sũng. Bỗng dưng tôi thèm tô canh chua cơm mẻ bông so đũa cá rô đồng, con cá lóc nướng rơm, gói cỏ the chấm nước mắm me. Thèm được hít thở cái không khí trong lành thoang thoảng mùi thơm ổi chín. Quê tôi giờ chắc ổi đang vào độ!

Hơn mười năm, tôi gặp nhỏ ở trường sư phạm, tôi vẫn còn ngờ ngợ thì nhỏ hỏi: " Thầy có về thăm quê không thầy? Quê mình giờ trồng nhiều ổi lắm".
 
Tôi vừa mừng vừa ngượng: "Lâu vậy mà vẫn còn nhớ à?"
 
Nhỏ cười duyên dáng: "Sao hổng nhớ, hồi đó người ta cứu mạng mà hổng mang ơn còn giận người ta".
Ngày đó…
 
Tôi với bốn thằng nữa, giờ đã tản mác mỗi đứa một phương, được mọi người trong xóm gọi bằng cái tên trìu mến "năm thằng ôn dịch", vì suốt ngày tụ tập phá phách đủ trò. Chỉ trừ giờ đi học, thì xóm làng được yên lắng, thời gian còn lại là năm thằng lủng lẳng cái nạng dàn thun (cái súng cao su) trên cổ, len lỏi trong các vườn cây trái của hàng xóm bắn chim, bắn cò. Thật thì bắn nhiều thứ, có cả bắn ám hiệu. Vì ban ngày ban mặt mà leo cây bẻ trộm dễ bị phát hiện nên để hai thằng giả vờ đi loanh quanh, canh chừng bắn ám hiệu khi có biến, ba thằng còn lại thì bắn mục tiêu: Khi xoài, lúc cóc, ổi, chùm ruột… Thường thì tôi nằm trong nhóm bắn mục tiêu, vì tôi bắn rất tài, cứ "một phát là một cục đạn" hiệu quả rất cao. Xuôi chèo mát mái thu lượm chiến lợi phẩm, rút ra rặng trâm bầu sau hậu đất chia nhau ăn ngấu ăn nghiến. Những trưa đầy nắng thì leo lên cây trâm bầu bẻ nhánh lót thành ổ, nằm ngắm trời cao, mây trôi, nghe lũ cu đất gù vang cánh đồng, tiếng trò chuyện liến thoắng trong vòm lá xanh biếc của những con chìa vôi. Gió đồng mát rượi mang theo mùi hương của đất ru chúng tôi những giấc ngủ say nồng. Chiều ngả bóng thì năm thằng lùng sục ao, đìa mò cá, bắt tôm. Nhiều thì chia nhau, tước sống dừa, be chuối khô xỏ xâu mang về, ít thì mang ra giữa đồng nhổ gốc rạ đốt lửa nướng cháy đen, cháy khét rồi tranh nhau ăn lẫn cả tro bụi. Ôi mùi khói thơm nồng tuổi thơ chúng tôi.
 
Một lần năm thằng kéo đi tắm sông, nói là sông nhưng chỉ là con kinh rộng chừng mười mấy thước, dùng để rửa mặn xổ phèn cho cánh đồng quê tôi. Bên kia bờ kinh là nhà của nhỏ, vườn ổi đang độ vào mùa, trái oằn cong cả nhánh, mùi thơm ổi chín lan trong gió vượt qua bên này mời gọi mấy thằng "ôn dịch" chúng tôi. Tất nhiên là không đời nào chúng tôi bỏ qua, chỉ trong chốc lát là cả bọn có mặt bên từng gốc ổi. Tôi vốn nhanh nhẹn nên ăn sâu vào trong vườn, chọn cây nhiều trái, trái to, trái chín, mải mê chọn lựa quên chuyện quan sát thì bỗng nghe tiếng nhỏ "chết hen". Tôi tuột vội vàng xuống co giò chạy, nhảy xuống kinh lặn một hơi dài, nhưng khi hết hơi nổi lên thì ở kế bên chú Năm, ba của nhỏ. Chú Năm kẹp tôi vào nách lôi lên bờ. Chú Năm hỏi lia lịa: "Có uống nước nhiều hôn con, có sao hôn con?". Tôi không nói được câu nào, cứ lập cà lập cập: con… con. Đôi chân vòng kiềng tôi đứng mà sao hai đầu gối cứ muốn va vào nhau, mấy trái ổi guộng trong lưng quần như mấy trái lựu đạn lủng lẳng cũng nhịp đều theo nhịp tim tôi. Nhìn bộ dạng tôi, chú Năm không nhịn được cười: "Hổng sao, chú không rày đâu, tại con Lan nó la lên có đứa té xuống sông, chú tưởng thiệt nhảy xuống, thôi xuống xuồng chú đưa qua sông về".
 
Từ hôm đó đến hết năm học, đến lớp tôi không bao giờ nói chuyện với nhỏ, chỗ nào có nhỏ là tôi bỏ đi chỗ khác, không biết là tôi mắc cỡ hay sợ nhỏ nói ra chuyện ấy. Mỗi lần nhỏ nhìn tôi cười là tôi thấy ghét ghét làm sao.
 
Ngày ba đưa tôi ra tỉnh ở nhờ nhà người bà con để tiếp tục học, vì ba phải đi làm ở xa, mẹ tôi mất sau căn bệnh ngặt nghèo, đất đai nhà cửa đã cầm cố hết để chạy lo cho mẹ tôi. Mấy thằng "ôn dịch" tiễn tôi bằng nồi khoai mì luộc với nước dừa tươi (tụi nó đào trộm của dì Hai). Nhỏ không qua mà gởi cho tôi một bọc ổi chín. Lúc tôi xuống đò thấy nhỏ lấp ló sau cửa. Tôi đã không còn ghét nhỏ nữa.
 
Mười mấy năm, tôi như lọt thỏm giữa những khối bê tông cốt thép, bộn bề với bao chuyện học hành thi cử. Cuộc sống phố chợ dường như lúc nào cũng tất bật, hối hả, nó mang tôi đi tự lúc nào tôi cũng không hay biết. Lâu lắm rồi tôi không hề thấy bình minh thức dậy thế nào, hoàng hôn buông xuống ra sao, nó khác hẳn với miền quê yên ả. Nay gặp lại nhỏ, bỗng dưng tôi nhớ quê da diết: Nhớ cánh đồng mênh mông tuổi thơ, lũ cu đất gù vang trong những rặng trâm bầu, nhớ bờ kinh gió chướng về trắng hàng so đũa, con bìm bịp núp trong đám dừa nước gọi nước lớn tràn bờ, đám "ôn dịch" chúng tôi đến trường áo quần ướt sũng. Bỗng dưng tôi thèm tô canh chua cơm mẻ bông so đũa cá rô đồng, con cá lóc nướng rơm, gói cỏ the chấm nước mắm me. Thèm được hít thở cái không khí trong lành thoang thoảng mùi thơm ổi chín.
 
Quê tôi giờ chắc ổi đang vào độ!
 

Lê Thanh Tịnh

Mùa hoa cải

Ngôi nhà tôi ở nằm cuối con đường dẫn đến những quả đồi cao chót vót. Tuổi thơ tôi nhuộm vàng những mùa hoa cải, hoa cúc dại thơm ngào ngạt nơi chân đồi… Ở đó, những đứa trẻ con xóm nghèo thường tha thẩn chơi rồi lớn lên lại tha thẩn mang vào thơ. Và dù mai này có phiêu bạt về đâu thì màu hoa ấy vẫn còn theo mãi, cũng như đã theo nội tôi suốt cuộc đời…


Mẹ ra đi vào tháng ba. Hoa cải vàng mênh mang một khoảng trời… Nội ngồi lặng, hai kẽ mắt rỉ xuống một dòng nước “Mẹ mày đi rồi. Từ nay nhà này chỉ còn lại hai bà cháu ta…”. Ngày ấy tôi còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được nỗi đau của nội và sự mất mát của tuổi thơ mình. Ngày tháng cõng nhau trôi qua kết thành tháng, năm. Tháng năm hằn lên bàn tay nội những vết chai, sần, nứt nẻ, nuôi tôi lớn lên để biết yêu đôi mắt nội buồn và mê mải với những màu hoa vàng thơm ngào ngạt. Nội có một khoảng đất rộng để trồng đủ các loại rau khi mùa đông bắt đầu sang. Nhưng nhiều nhất vẫn là rau cải sen và cải cúc. Khi những luống rau xanh mơn mởn thì tôi cùng nội nhổ, bó thành từng bó xếp vào quang, gánh xuống chợ.
 
Ngày tháng của tôi trôi qua bằng những bài giảng của cô, những câu thơ đọc nghe buồn mênh mang… Còn tháng ngày của nội trôi qua như dòng sông xanh hiền hòa dưới chân đồi với những buổi chiều nắng cháy nơi bờ ruộng, cái rét cắt da cắt thịt buổi sớm tinh sương. Những tháng ngày trôi qua đựng đầy trong mắt nội một màu bàng bạc của thời gian. Chỉ khi cải nở hoa vàng rực, kết quả, rồi già đi, quả tách ra, giơ hai mảnh vỏ như hai lưỡi kiếm thì mắt nội mới hết buồn. Nội thường cắt những nhành cải ấy mang về đập ra. Một mùi thơm nồng lẩn vào áo, vào mái tóc màu mây của nội. Và tôi yêu cái mùi nồng ngộn ấy!
 
Khi tuổi thơ tôi thôi tính bằng những trò chơi thơ dại cũng là lúc tôi nhận ra tôi chỉ có mỗi một mình nội và nội cũng chỉ biết có tôi. Chẳng biết có phải vì thế mà tôi yêu nội hơn bất cứ thứ gì trên đời, ví mọi thứ quý giá của mình với những gì thuộc về nội. Suốt ngày tôi quẩn quanh bên nội, không thích lang thang với mấy đứa bạn cùng tuổi. Vì tôi không thích ánh mắt của bọn nó khi nhìn nội tỉ mẩn xếp bằng những nhành cải già và bó thành từng bó, quảy về nhà. Có lẽ trong mắt bọn chúng điều đó thật là lạ. Còn với tôi, tôi yêu màu hoa ấy, cũng như nội yêu những nhành cải già. Có lần nhìn tôi thẫn thờ khi những bông hoa vàng rụng xuống dần, nội bảo: “Hoa rụng là để chuẩn bị cho mùa sau con ạ. Mùa sau cải sẽ lại nở đầy hoa cho mà xem!”. Tôi thấy mắt nội ầng ậng nước… Nội yêu màu hoa vàng ấy cho nên yêu cả những nhành cải già cỗi. Không như tôi chỉ yêu mỗi một màu hoa…
 
Rồi tôi bắt đầu biết yêu đôi mắt đen thông minh của Trung và cũng bắt đầu nhận ra mắt bạn không vương nỗi buồn như đôi mắt nội. Trung kể cho tôi nghe nơi xa lắm có ánh điện chiếu sáng và vô vàn những loài hoa rực rỡ sắc màu. Trung đến với tôi vào giữa mùa hoa cải và cũng bỏ tôi đi vào cuối mùa hoa ấy. Bạn theo cha đi về nơi có những ánh đèn, bỏ lại dòng sông, những mái nhà heo hút chênh vênh nơi sườn đồi… Để lại cho tôi một mùa hoa vàng buồn theo những mùa sau… Tôi lại sống bên nội như những tháng năm qua, lận đận theo từng mùa hoa. Lòng tự hứa chẳng bao giờ xa nội. “Con và nội sẽ ở mãi đây, nội nhỉ?”. Nội cười. Tôi ngả đầu vào lòng nội, nghe hương hoa thơm vào trong tóc…
 
Tháng năm nối dài tháng năm. Mùa hoa cải năm này nối liền năm sau, rồi năm sau nữa… Những buổi chiều ngồi trên triền đồi ngắm hoa cải cũng thưa dần. Tôi vào cấp III. Khi những đứa bạn đã ôm giấc mơ thoát khỏi cái đói, cái nghèo nơi núi đồi quanh năm nắng cháy thì tôi vẫn cứ lơ ngơ không nỡ xa nội, xa những mùa hoa. “Phải đi học, con à. Đói khổ không chết nhưng dốt nát thì khổ một đời”. Rồi tôi đi học… Hành trang là một ba lô quần áo và nắm cải già của nội… Ngày tôi đi, mưa xối xả, dáng nội gầy đứng dưới mái hiên ướt mèm!!!
 
Nơi thành thị phồn hoa không còn bóng dáng loài hoa ấy. Khi các bạn tôi thả hồn vào hương hoa sữa thì tôi lại cứ mơ về màu hoa vàng rực nắng. Tôi không kể với ai về những mùa hoa cải của nội, mà chỉ lặng lẽ, mang nó vào những trang viết của riêng mình. Bởi với tôi màu hoa ấy thiêng liêng lắm, nó trải vàng suốt tuổi thơ tôi, cho tôi biết mình sinh ra từ vùng đất hoang, lớn lên như cỏ dại nhưng phải biết sống sao cho thẳng, cho đẹp.
 
Giờ đây khi bước chân trên những ngả đường ngợp sắc màu của những loài hoa mang hơi thở phố phường… lòng tôi vẫn thổn thức mơ về màu hoa vàng rực nắng! Tháng năm vội vàng kéo đến, đầy kỷ niệm ngày qua lùi vào xa vắng. Nhưng vẫn không sao khỏa lấp trong tôi vùng đất với những mùa hoa vàng.
 
Nơi ấy có người bà đang yên nghỉ dưới chân đồi bạt ngàn màu hoa dại thơm mãi tuổi thơ tôi…
 

HH
(nguồn : thegoitrongta.com)

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Nhớ con sông quê hương






( Tế Hanh - 1956 )

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
*
* *
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết…
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghành thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương…