Ngày còn nhỏ, phần thưởng lớn nhất với tôi là được về quê ngoại. Đến bây giờ, những kỉ niệm về miền quê yêu thương ấy vẫn sống trong tôi da diết, ngọt ngào.
Nhà tôi ở phố bên này sông. Cách ba cây số bên kia sông nước là quê ngoại tôi. Mùa hè, con sông nước lớn đỏ sậm phù sa cuồn cuồn chảy. Tôi chen lên phía mũi con đò gỗ, ngồi bệt xuống tấm gỗ kê trước mặt người lái đò. Tôi thích ngồi đó để còn nhìn chăm chắm vào các xoáy nước mỗi khi mái chèo nhấc lên. Có những chỗ, mặt nước phẳng như cái chiếu trải rộng mà ngay cạnh đó lại là xoáy nước. Cứ cuộn lại xoáy tròn rồi tụt xuống sâu thẳm. người lớn ngồi cạnh nhắc tôi đừng nhìn vào đó dễ bị chóng mặt nhưng tôi chỉ vâng dạ mà mắt vẫn không rời ra được. Sau này, tôi thường liên hệ vòng xoáy của sông với những vòng xoáy cuộc đời. Sóng đẩy con đò trôi xiên mãi, có người sợ, miệng niệm Phật liên tục, còn tôi, tôi hoàn toàn tin tuởng ở tài nghệ người lái. Trẻ con có khi lại can đảm hơn cả nguời lớn ấy chứ. Mùa đông nước lặng, những bước chân nhỏ bé của tôi dập dình trên chiếc cầu phao bắc qua sông.
Bảy, tám tuổi tôi đã tự về quê. Sang sông trèo qua dốc đê tắt xuống con đường nhỏ men theo bờ mương là đến đường cái. Đến cây số 3 là rẽ vào làng. Có hôm chờ đò, qua đuợc sông thì chiều đã muộn, tôi cố sải bước cho kịp mấy bà đi chợ về. Trong buổi chiều vàng heo hút, hình ảnh những người đàn bà đầu đội thúng, vai đeo bị, hai tay vung vẩy nhịp nhàng đã ghi vào trong tôi những dấu ấn không mờ. Tôi chưa bao giờ bắt chuyện với họ, tôi biết họ cũng là người làng tôi cả vì bao giờ gần đến ngõ nhà ông bà tôi họ cũng gọi to:
-Bà ơi! Ra mà đón cháu ngoại này.
Thì ra, họ còn biết cả gia cảnh hiếm hoi của ông bà tôi. Chẳng biết nói lời cảm ơn với những người đàn bà quê mùa mộc mạc ấy ra sao, tôi chạy ngay vào con ngõ nhỏ. Chiếc cổng gỗ lợp rạ cũ kỹ lạch cạch mở ra, bà tôi vòng tay ôm cháu:
-Sao về tối thế, mẹ mày là chúa liều đò giang nước lớn mà cứ để con bé đi một mình.
Tôi nắm chặt tay bà bước vào vùng tối của bóng mấy cây nhãn. Nếu không có bà ra đón hẳn tôi đã ù té chạy vào sân. Trong nhà, ông tôi đã khêu đĩa đèn dầu lạc cho sáng lên. Ông ngồi trên chiếc chõng tre, phía trước để cái tráp nhỏ, trên đó thế nào cũng có vài quyển sách chữ nho đang mở. Ông ngoại tôi là một ông đồ. Ngày trước ông dạy Hán văn ở trường Thành Chung. Những ngày ở quê, tôi thường được nghe ông ngâm thơ, đọc sách rồi giảng giải. Có những lúc tôi còn được ông sai mài mực Tàu, son đỏ để ông viết. Cái đĩa mài mực phải thật sạch và nước để mài bao giờ cũng là nước mưa tinh khiết. Ông tôi ngồi khoanh chân trên chõng, lấy bút lông chấm vào đĩa mực rồi nắn nót viết những dòng chữ Nho vào quyển giấy bản. Ông viết theo từng cột, từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Rồi ông ngâm nga những đoạn vừa viết, tôi hiểu những lúc ấy lòng ông thư thái lắm. Ông dạy tôi học thuộc những bài thơ của người xưa rồi tập viết những chữ Nho đơn giản. Tôi cứ nhớ mãi cách hắng giọng mỗi khi ông sắp ngâm một bài thơ nào đó, nghe nó trang trọng như khi ta sắp làm một việc hệ trọng lắm.Sát hiên nhà là cây hoa ngọc lan ông tôi trồng. Buổi tối mùa thu trải chiếu ngồi chơi trên hè, mùi hoa lan cứ thơm ngào ngạt. Trăng thu vằng vặc, bầu trời cao rộng, tôi nằm trên chiếu, đầu gối lên đùi bà, mắt dõi theo những vì sao. Bà tôi dạy cách nhìn sao để nhận ra ông Thần Nông. Tôi cố căng măt, chỉ thấy những sao là sao, vô vàn các vì sao đang nhấp nháy. Có những dải sao mờ trắng xóa, chi chít như dải lụa, bà tôi bảo đó là dòng ngân hà, rồi bà kể chuyện Ngưu lang chức nữ. Tôi nghe, lòng thơ trẻ thấy cảm động thương xót vô cùng. Mãi rồi tôi cũng nhìn ra ông Thần Nông, mùa cấy, lưng ông cũng cúi xuống như khi bà tôi còng lưng cắm cây mạ xuống ruộng. Những năm tháng sau này, mỗi khi đi công tác ở vùng quê nào, đêm trăng, tôi cũng nhìn lên trời sao xem ông Thần Nông và nhớ tới bà ngoại và vùng quê yêu dấu của tôi.
Ảnh minh họa: tamtay.vn
Tôi thích những buổi sáng được theo bà đi cất vó tép ngoài bờ ngòi. Rất nhẹ nhàng, bà tôi dùng cây gậy tre đặt từng cái vó xuống nước. Tôi theo sau lấy một dúm cám rang gói trong cái lá khoai nước vứt theo đúng giữa cái vó vừa đặt xuống. Mùi thơm của cám sẽ dụ những con tôm, con tép tới. Những hôm giở giời thì rất lắm tôm. Mỗi khi cái vó nhấc khỏi mặt nước, nhìn những con tép gạo trong suốt nhảy lao xao trong vó rất thích. Đi cất vó còn có cái thích nữa là được ngồi ở bến nước để ngó nhìn trời đất. Những phiến đá to nhẵn như cái mặt bàn được kê làm bậc lên xuống, tôi cứ hỏi bà không biết người ta lấy chúng ở đâu về mà sao họ xếp khéo thế, chẳng có phiến nào gập ghềnh cả. Trên bến là cây gạo to lừng lững, trẻ con chúng tôi ba đứa nắm tay ôm không trọn gốc. Tháng ba, hoa gạo nở đỏ trời, những cành gạo dài khẳng khiu vươn xa như những cánh tay cầm những ngọn nến đang cháy đỏ rực. Thỉnh thoảng có những bông gạo chín quá rụng xuống nước xoay tròn rồi trôi theo dòng, đàn cá mương xúm lại đuổi theo và rỉa.
Lúc bến nước lác đác có người rửa rau, rửa khoai thì bà cháu tôi thu vó về. Bữa trưa hôm ấy trên mâm có thêm đĩa tép rang cho lá chanh thơm lựng.
Quê ngoại tôi ngày ấy chưa biết làm kinh tế như bây giờ. Vườn nhà nào cũng rộng nhưng chỉ trồng toàn những cây lưu niên như nhãn, ổi, thị, bưởi, mít. Mỗi thứ vài ba cây, đến mùa nào thì ăn quả đó. Trái cây nhỏ nhưng rất ngọt và thơm. Dưới bóng những cây to, nhà nào cũng trồng dong giềng lấy củ nấu cho lợn. Tôi rất thích lựa những củ già để luộc. Tối, tối hai bà cháu lụi hụi gẩy rơm, luộc nồi dong rồi vùi cho chín nục. Củ dong già gọt vỏ cắt ra, tinh bột chín nổi dính vào lưỡi dao, mùi thơm đậm ăn bùi và ngọt như cho đường. Hương vị món quà quê ấy theo tôi mãi những tháng năm đi sơ tán. Tôi hay nhớ về những đêm đông giá lạnh, mỗi lần về quê, tôi lại được cuộn tròn trong cái ổ rơm rúc đầu vào nách bà hít hà mùi quyết trầu thơm thơm quyện mùi rơm mới. Ôi cái mùi thơm đến lạ, nó làm tôi lâng lâng một cảm giác say say êm ái. Mảnh chăn gai mỏng với vòng tay ấm của bà đưa tôi vào giấc ngủ ngon lành.
Khi xa ông bà về phố, trong cái túi nhỏ tôi đeo thể nào cũng có chút quà quê. Khi thì là những củ dong giềng luộc chín, khi thì là những quả ổi, quả thị chín vàng, thơm lựng. Lên tới đường cái, lần nào tôi cũng ngoảnh lại nhìn về cái xóm nhỏ những hàng cau thẳng đứng với những tàu lá to xanh mướt và thấp hơn là những bụi tre già đang ngả nghiêng theo gió. Trên cao, cao nữa, lẩn trong mây là những cánh diều. Tiếng sáo vi vút thoảng vào không trung những âm thanh réo rắt bổng trầm. Lòng tôi bâng khuâng nhung nhớ. Nuốt vội niềm cảm xúc trào dâng, tôi quay đầu bước như chạy, bên tai vẫn văng vẳng tiếng sáo diều da diết.
Ôi quê ngoại thân thương!
V.Q
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét